Chiếc Bình Thủy Tinh

Tối muộn, sau lớp giáo lý, tôi ngồi lại trong phòng thánh. Không còn tiếng hát, không còn tiếng cười. Chỉ còn mình tôi, và… tin tức về một cô bé 15 tuổi – vừa gieo mình xuống sông.
Em tên D., học sinh lớp 9 ở Thanh Hóa. Vừa rồi, em trượt kỳ thi vào lớp 10 công lập. Trên mạng, mọi người chia sẻ tin tức, tiếc thương, phẫn nộ. Nhưng tôi thì chỉ lặng người. Không phải vì ngạc nhiên – mà vì đau. Đau như một vết sẹo cũ bị xé toạc ra lần nữa.

Tôi từng là một đứa trẻ như em. Cũng từng thi rớt. Cũng từng bị ánh mắt của người lớn dán chặt vào mình như thể tôi là một thất bại. Cũng từng cảm thấy mình không còn được yêu thương – chỉ vì không đủ điểm.
Chuyện tôi kể hôm nay là về một em học sinh tên Vy – lớp tôi dạy giáo lý năm ngoái. Vy là một người ít nói, chăm ngoan, học lực khá. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm ấy, Vy không đậu vào trường công lập mà mẹ em đặt mục tiêu.
Hôm nhận kết quả, tôi thấy em ngồi phía cuối nhà thờ, đầu cúi gằm. Tôi lại gần, nhẹ hỏi:
– “Vy, em ổn chứ?”
– “Dạ… em nghĩ chắc em không còn là niềm tự hào nữa.”
Tôi giật mình.
Em kể, sau khi trượt, mẹ em im lặng suốt cả buổi tối. Không một cái ôm, không một lời “Không sao đâu”. Chỉ là ánh mắt lạnh tanh và câu nói:
– “Mày làm mẹ mất mặt với hàng xóm.”
Từ hôm đó, Vy như biến mất khỏi thế giới. Không đến lớp giáo lý, không chơi với bạn bè. Tôi đến nhà em, và mẹ em chỉ nói gọn lỏn:
– “Con bé dạo này nó kỳ lắm. Cứ ngồi lì trong phòng, chẳng ăn gì.”
Tôi gõ cửa phòng Vy.
Em ngồi trên giường, ánh mắt trống rỗng như bị nhốt trong lớp kính. Trên bàn là một chiếc bình thủy tinh – trống rỗng – và một tờ giấy em viết nguệch ngoạc:
“Nếu em không giỏi, liệu …em có còn xứng đáng để sống nữa không?”
Tôi lặng đi vài giây. Rồi nhẹ nói:
“Vy à, em có thấy cái bình kia không? Nó không có hoa, không có gì bên trong. Nhưng nó vẫn là chiếc bình. Vẫn nguyên vẹn.
em cũng vậy. Không có điểm cao, không có thành tích – thì em vẫn là một người Đang sống Đáng sống và phải sống .”
Sau đó, tôi kể cho Vy nghe về một thí nghiệm triết học gọi là “Não trong bình”. Một bộ não bị đặt trong bình, được gắn dây thần kinh để tin rằng thế giới là thật, dù nó chỉ là ảo ảnh.
Tôi bảo em:
“em đang sống như cái não trong bình đó – chỉ tin rằng ‘đậu lớp 10 mới đáng sống’ “ phải học thật giỏi , điểm thật cao thì mới xứng đáng được tồn tại”.
Nhưng thế giới thật ngoài kia rộng lớn hơn nhiều. em không phải con điểm. em là cả một con người.”
Vy không nói gì. Nhưng tôi thấy mắt em rưng rưng.
Tôi không biết mình đã làm gì thay đổi được bao nhiêu. Nhưng ít nhất, em không biến mất như em D. ở Thanh Hóa. Vy chọn học nghề. Bây giờ em làm bánh, thỉnh thoảng vẫn nhắn tin cho tôi:
“Hôm nay em làm được 40 cái su kem, có 3 cái bị hỏng. Nhưng em thấy vui lắm anh ơi!”
Và nếu…
Tôi không biết nếu hôm đó tôi không đến nhà Vy, chuyện gì sẽ xảy ra. Cũng như tôi không biết nếu có ai đó đến bên em D. sớm hơn, em có còn sống không?
Tôi chỉ biết:
Một lời nói, một cái ôm, một ánh mắt đủ ấm… có thể cứu một mạng người.
Chiếc bình thủy tinh trên bàn Vy ngày đó, giờ em dùng để cắm hoa dã quỳ – loài hoa mọc dọc quốc lộ, hoang dại mà kiêu hãnh.
Còn tôi? Tôi vẫn dạy giáo lý. Vẫn kể chuyện cho các em. Và mỗi lần nhắc đến thi cử, tôi đều nói:
“Chúa không chấm điểm chúng ta. Và người thầy tốt cũng không chấm điểm chúng ta để thương thương ta.
chúng ta được được yêu – vì chính chúng ta là chính mình và là con cái của thiên chúa .”
Xin đừng để điểm số trở thành bản án. Xin đừng để những đứa trẻ phải sống như những bộ não bị lập trình, không biết rằng mình vẫn có quyền mơ, quyền sống, và quyền được yêu thương – vô điều kiện.
Bài: Giuse Công Anh
Ảnh: st